Đứng trên đỉnh Kỳ Quan San, bạn có cảm giác như đang ở vị trí cao hơn cả trời khi xung quanh là biển mây bồng bềnh tựa tiên cảnh
Kỳ Quan San hay Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi cao thứ tư Việt Nam, đồng thời là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Dân leo núi có thể khởi hành từ một trong hai địa phương này, phổ biến nhất là cung xuất phát từ xã Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai
Thông thường, du khách chọn tour hai ngày một đêm. Ngày đầu tiên xuất phát từ 10h đến khoảng 16h30 là tới trạm dừng để nghỉ đêm. Con đường duy nhất lên đỉnh núi đi qua suối, vách đá cheo leo và băng rừng. Khung cảnh ruộng bậc thang của người Mông sớm nhường chỗ cho những lối mòn, dốc cao
Du khách nghỉ đêm tại lán trại nằm ở độ cao 2.100 m so với mực nước biển, do nhóm porter xã Sàng Ma Sáo dựng bằng tre, gỗ. Tại đây, các nhóm trekking dùng bữa tối, đi dạo xung quanh. Có dịch vụ tắm nước nóng trả phí dành cho người có nhu cầu
Từ lán trại, du khách đi bộ một đoạn đến núi Muối ‘săn’ biển mây. Tại đây có một xích đu làm bằng cây đơn sơ để du khách ‘sống ảo’, tận hưởng cảm giác như chơi vơi giữa trời. Núi Muối cũng là nơi ngắm hoàng hôn đẹp ‘lịm tim’, làm du khách ngỡ ngàng
Sau một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức, 8h sáng hôm sau cả đoàn tiếp tục hành trình chinh phục Kỳ Quan San. Đoạn đường ngang qua một dãy núi được ví như ‘sống lưng khủng long’ ở Hà Giang. Khúc đường dẫn đến ‘sống lưng’, một bên là biển mây trắng xóa
Địa hình thay đổi liên tục, có vách đá với độ dốc hơn 65 độ, rất khó đi và chắc chắn không dành cho người sợ độ cao. Dọc đường, người leo núi có cơ hội ngắm thảm thực vật đa dạng như: địa y trắng, dương xỉ, đỗ quyên, rêu…
Đến ‘sống lưng khủng long’ ở độ cao 2.600 m, du khách bắt đầu có cảm giác như đang đứng ở nơi ‘cao hơn cả trời’ vì mây ngay dưới chân. Người leo núi buộc phải trang bị găng tay gắn đệm cao su, giày leo núi chuyên dụng nhằm tăng độ bám
Đan Thanh (Quảng Nam), du khách chinh phục Kỳ Quan San đầu năm nay, nói chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ làm được điều này. Thanh có chứng sợ độ cao nhẹ nên đã không dưới vài lần muốn bỏ cuộc, thậm chí khóc khi thấy các dốc, vách đá thẳng đứng trước mặt. May mắn, bạn đồng hành động viên cộng với sự hỗ trợ của các porter giúp cô hoàn thành chặng đường đáng nhớ, và gọi nó là ‘kỳ tích’ của năm mới
Tầm 12h, cả đoàn sẽ đến được Kỳ Quan San, chụp ảnh kỷ niệm với cột mốc 3.046 m. Dù không cao bằng Fansipan, cung Bạch Mộc Lương Tử khó chinh phục hơn vì còn khá hoang sơ. Bù lại quang cảnh mùa nào cũng đẹp. Đặc biệt, vào những ngày lạnh nhất của mùa đông, xung quanh đóng băng tạo nên khung cảnh ấn tượng
Vi Yến – Ngoisao
Ảnh Trần Trung Hiếu